Tin thị trường

Ngày 9 tháng 6, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 tại Quyết định số 879/QĐ-TTg (Chiến lược).

Được xây dựng trên quan điểm phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, trọng tâm trước mắt là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, Chiến lược lựa chọn ưu tiên phát triển nhóm ngành cơ khí và luyện kim (Đầu tư phát triển sản xuất thép chế tạo cho ngành cơ khí: thép tấm, thép hình, thép hợp kim); hóa chất (ưu tiên nhóm sản phẩm hóa dầu); chế biến nông, lâm, thủy sản (Ưu tiên sản phẩm chế biến xuất khẩu có tính cạnh tranh cao, kết hợp với xây dựng và phát triển thương hiệu đặc trưng cho nông, lâm, thủy sản Việt Nam); dệt may, da giầy (thúc đẩy các thị trường tiềm năng như Nga, Trung Đông, Đông Âu, châu Phi; xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ mang thương hiệu Việt Nam); điện tử và viễn thông (khuyến khích phát triển các phần mềm, đặc biệt là phần mềm nhúng trong các thiết bị phần cứng, điện tử, viễn thông, đáp ứng nhu cầu nội địa); năng lượng mới và năng lượng tái tạo (Tập trung ứng dụng công nghệ cao cho nguồn phát điện năng lượng mặt trời, gió, biogas, biomas, địa nhiệt…, đối với năng lượng vì mục đích hòa bình tiếp tục nghiên cứu về an toàn hạt nhân và các công nghệ điện nguyên tử phổ biến hiện nay).

Đến năm 2025, công nghiệp Việt Nam phát triển với cơ cấu hợp lý theo ngành và lãnh thổ, có khả năng cạnh tranh để phát triển trong hội nhập, có công nghệ hiện đại và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số chuyên ngành, lĩnh vực, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu. Đến năm 2035, công nghiệp Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và có năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo.

Một số mục tiêu cụ thể:

– Tỷ trọng hàng công nghiệp xuất khẩu/tổng kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 85 – 88%, sau năm 2025 đạt trên 90%.

– Phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm 42 – 43%, năm 2025 chiếm 43 – 44% và năm 2035 chiếm 40 – 41% trong cơ cấu kinh tế cả nước.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp được coi là một trong những giải pháp đột phá để thực hiện Chiến lược, trong đó có nội dung xây dựng cơ chế và lộ trình phát triển số lượng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt quan tâm đến nâng tỷ trọng doanh nghiệp lớn và vừa trong cơ cấu hệ thống doanh nghiệp cả nước.

Bên cạnh đó, Chiến lược thực hiện lựa chọn các nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ cần ưu tiên phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của từng giai đoạn; xây dựng cơ chế và chính sách ưu đãi cụ thể cho các khu, cụm công nghiệp chuyên sâu và khu, cụm công nghiệp hỗ trợ. Ở từng thời điểm cần có những cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp với tình hình phát triển của ngành; điều chỉnh cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ; và tăng cường sự liên kết giữa các địa phương trong vùng kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển các ngành công nghiệp.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành

(Trung Dũng).

Tin khác

Thiết kế web